Việc dự đoán trước những sự cố hỏng hóc của thiết bị, máy móc giúp các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch bảo trì, từ đó các hệ thống máy móc có thể hoạt động một cách trơn tru và ổn định hơn. Vậy bảo trì dự đoán là gì và quy trình thực hiện bảo trì dự đoán như thế nào, hãy cùng INTECH Service tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Bảo trì dự đoán là gì?
Bảo trì dự đoán (tiếng Anh: Predictive Maintenance) là một khái niệm không còn xa lạ trong lĩnh vực sản xuất và vận hành. Thay vì thực hiện bảo trì theo lịch trình cố định, bảo trì dự đoán sử dụng dữ liệu và phân tích để dự đoán khi nào một thiết bị có thể xảy ra sự cố và tiến hành bảo trì trước khi sự cố xảy ra. Bảo trì dự đoán giúp nhà sản xuất giảm thiểu chi phí liên quan đến bảo trì phòng ngừa, hạn chế bảo trì ngoài kế hoạch, giảm tần suất bảo trì, hạn chế những rủi ro trong sản xuất.
Lợi ích của bảo trì dự đoán
Giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động: Bằng cách phát hiện sớm các dấu hiệu hỏng hóc, bảo trì dự đoán giúp ngăn ngừa những sự cố bất ngờ, giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động của hệ thống.
Tăng tuổi thọ thiết bị: Bảo trì định kỳ đúng lúc giúp kéo dài tuổi thọ của thiết bị, giảm thiểu chi phí thay thế và sửa chữa.
Tối ưu hóa chi phí bảo trì: Thay vì thực hiện bảo trì định kỳ cho tất cả các thiết bị, bảo trì dự đoán chỉ tập trung vào những thiết bị cần thiết, giúp tiết kiệm chi phí. Bằng cách dự đoán và khắc phục sự cố trước khi chúng xảy ra, doanh nghiệp có thể giảm thiểu các chi phí sửa chữa bất ngờ, đắt đỏ.
Nâng cao năng suất hoạt động: Việc bảo trì dự đoán giúp sớm phát hiện các vấn đề tiềm ẩn và khắc phục chúng trước khi chúng ảnh hưởng đến hiệu suất của thiết bị. Ngoài ra, bảo trì dự đoán giúp giảm thiểu các lỗi sản phẩm do thiết bị hỏng hóc gây ra, nâng cao chất lượng sản phẩm cuối cùng.
Các phương pháp bảo trì dự đoán phổ biến
1. Phân tích độ rung
Nguyên lý hoạt động của phương pháp này là đo lường và phân tích các rung động phát ra từ máy móc rồi dựa trên một độ rung tiêu chuẩn để phát hiện các điểm lệch một cách chính xác. Các thay đổi bất thường trong độ rung có thể báo hiệu các vấn đề như mất cân bằng, hư hỏng bạc đạn, hoặc các vấn đề liên quan đến trục. Đây được coi là một trong những phương pháp đạt độ chính xác cao nhất trong dự báo sai lỗi xảy ra ở máy. Phương pháp này được áp dụng với động cơ điện, bơm, quạt, máy nén khí.
2. Phân tích nhiệt độ hồng ngoại
Máy đo nhiệt độ hồng ngoại tận dụng máy ảnh hồng ngoại để phát hiện nhiệt độ cao trong các phần của thiết bị. Nhiệt độ bất thường có thể chỉ ra các điểm nóng, quá tải hoặc rò rỉ. Phương pháp này giúp phát hiện các vấn đề về điện, cơ và nhiệt một cách nhanh chóng. Thông thường, phương pháp phân tích nhiệt độ hồng ngoại được ứng dụng với bảng mạch điện, động cơ điện, hộp nối, hệ thống ống dẫn.
3. Phân tích chất lượng dầu
Phương pháp này sử dụng các mẫu dầu lấy từ các thiết bị để kiểm tra các hạt mài mòn, độ nhớt, độ axit và các thành phần khác. Bên cạnh đó, một số phân tích về độ nhớt của dầu, sự hiện diện của nước hoặc kim loại mòn, và số axit hoặc số bazơ cũng là các yếu tố để doanh nghiệp có thể đánh giá. Phương pháp này được áp dụng với hệ thống thủy lực, hộp số, ổ trục.
4. Phân tích âm thanh sóng âm
Kỹ thuật này giám sát tần số âm thanh của thiết bị máy móc để phát hiện ra các vấn đề trong hoạt động kỹ thuật của chúng và tìm ra nguồn gốc nguyên nhân. Đa phần các thiết bị máy móc đều tạo ra sóng âm thanh trong quá trình vận hành. Do đó, dựa vào tín hiệu sóng âm của cảm biến âm thanh, các kỹ thuật viên trong nhà máy có thể phát hiện các vết nứt, mối hàn bị hỏng từ khi chúng còn rất nhỏ mà khó có thể quan sát được bằng mắt thường. Phương pháp này đặc biệt có ích trong việc phát hiện rò rỉ khí hay chất lỏng trong dây chuyền sản xuất.
Quy trình thực hiện bảo trì dự đoán
Quy trình thực hiện bảo trì dự đoán bao gồm các bước sau:
Bước 1: Thu thập dữ liệu
Lắp đặt các cảm biến và thiết bị giám sát trên mỗi thiết bị để thu thập thông tin về hiện trạng của máy móc. Những dự liệu thu thập được liên quan đến các thông số như nhiệt độ, áp suất, độ bôi trơn, tiếng ồn,…
Các dữ liệu này được truyền tải và lưu trữ trên máy chủ để phân tích
Bước 2: Phân tích dữ liệu
Từ những dữ liệu thu thập được, tiến hành sử dụng các thuật toán và các kỹ thuật để phần tích. So sánh các giá trị đo được với các ngưỡng cảnh báo đã thiết lập để phát hiện các sự cố tiềm ẩn.
Việc phân tích này nhằm mục đích: Xác định các mẫu và xu hướng trong dữ liệu, phát hiện các dấu hiệu bất thường tiềm ẩn và dự đoán thời điểm thiết bị có thể xảy ra sự cố
Bước 3: Dự đoán hỏng hóc
Dựa trên kết quả phân tích dữ liệu, hệ thống dự đoán thời điểm thiết bị có thể xảy ra sự cố. Các dự đoán này được đưa cho người vận hành hoặc kỹ thuật viên để có những phương pháp bảo trì hợp lý.
Bước 4: Lập kế hoạch bảo trì
Từ các dự đoán về thời điểm hỏng hóc, ta có thể lập kế hoạch bảo trì phù hợp để sửa chữa thiết bị một cách tối ưu. Xác định các công việc bảo trì cần ưu tiên dựa trên mức độ nghiêm trọng của sự cố tiềm ẩn.
Kế hoạch này có thể bao gồm các hoạt động như đặt lịch sửa chữa, chuẩn bị vật tư, phụ tùng thay thế,…
Thực hiện các công việc bảo trì theo đúng kế hoạch.
Trên đây là khái niệm về bảo trì dự đoán cũng như các phương pháp và quy trình thực hiện bảo trì dự đoán. INTECH Service là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ bảo trì dự đoán uy tín với hệ thống trạm dịch vụ trên cả nước cùng đội ngũ kỹ sư chuyên môn cao. Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để nhận được tư vấn sớm nhất về dịch vụ nhé!